Chế độ tiền lương đối với người lao động được huy động tập huấn phòng thủ dân sự từ 23/8/2025
Từ ngày 23/8/2025, chế độ tiền lương đối với người lao động được huy động tập huấn phòng thủ dân sự sẽ được thực hiện theo hướng dẫn của Nghị định 200/2025/NĐ-CP.
Chế độ tiền lương đối với người lao động được huy động tập huấn phòng thủ dân sự từ 23/8/2025 (Hình từ Internet)
Chế độ tiền lương đối với người lao động được huy động tập huấn phòng thủ dân sự từ 23/8/2025
Ngày 09/7/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 200/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng thủ dân sự.
Tại Nghị định này, Chính phủ đã quy định về chế độ tiền lương đối với người lao động được huy động tập huấn phòng thủ dân sự từ 23/8/2025.
Cụ thể, người được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập và làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự sẽ được hưởng tiền lương, tiền công, tiền ăn, phụ cấp đặc thù như sau:
[1] Người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được hưởng trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn và phụ cấp đặc thù như đối với Dân quân được huy động làm nhiệm vụ theo quy định tại Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ. Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.
[2] Người hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc trả nguyên lương, các khoản phúc lợi, phụ cấp đi đường và tiền tàu xe; khi làm việc trong môi trường độc hại hoặc nơi có phụ cấp khu vực thì được hưởng theo chế độ hiện hành.
Người lao động hợp đồng trong thời gian tham gia tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự được tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ tiền lương, phụ cấp theo quy định.
Chi phí cho các khoản nói trên được tính vào ngân sách chi hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
[3] Đối với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, tổ chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong thời gian được huy động tập huấn, huấn luyện, diễn tập, làm nhiệm vụ phòng thủ dân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền được cơ quan huy động trả tiền trợ cấp ngày công lao động, tiền ăn và phụ cấp đặc thù và các chế độ khác theo quy định tại [1]; tiền lương do doanh nghiệp, tổ chức chi trả và được tính vào chi phí quản lý sản xuất, kinh doanh.
Cơ sở pháp lý: Điều 43 Nghị định 200/2025/NĐ-CP.
Người lao động có các quyền và nghĩa vụ gì trong hoạt động phòng thủ dân sự?
Theo Điều 36 Luật Phòng thủ dân sự 2023, người lao động sẽ có các quyền và nghĩa vụ như sau trong hoạt động phòng thủ dân sự:
** Về phần quyền
- Tiếp cận thông tin về phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật;
- Được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại do sự cố, thảm họa theo quy định của pháp luật;
- Được hưởng tiền công lao động khi tham gia hoạt động phòng thủ dân sự theo quyết định huy động của người có thẩm quyền;
- Được hoàn trả trang thiết bị, tài sản đã huy động ngay sau khi kết thúc việc ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa; trường hợp trang thiết bị, tài sản đã huy động bị thiệt hại hoặc tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định của pháp luật;
- Khi tham gia hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa nếu bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; nếu bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì được xem xét, hưởng chế độ, chính sách theo quy định tại khoản 3 Điều 41 Luật Phòng thủ dân sự 2023.
** Về phần nghĩa vụ
- Thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự theo kế hoạch phòng thủ dân sự của địa phương;
- Tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tham gia hoạt động phòng thủ dân sự khi được huy động;
- Chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để đảm bảo an toàn trước sự cố, thảm họa;
- Chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi sự cố, thảm họa xảy ra; tham gia hỗ trợ cộng đồng phòng, chống sự cố, thảm họa; giúp đỡ người bị thiệt hại do sự cố, thảm họa tại địa phương; thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc;
- Chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra, vào khu vực nguy hiểm; chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, tài sản để phục vụ hoạt động ứng phó khẩn cấp của người có thẩm quyền;
- Thông báo, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về diễn biến, thiệt hại do sự cố, thảm họa gây ra khi có điều kiện thực hiện.
Nguyên tắc hoạt động phòng thủ dân sự năm 2025
Các hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước; phát huy vai trò, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể và Nhân dân.
- Được tổ chức thống nhất từ trung ương đến địa phương; có sự phân công, phân cấp, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và lực lượng trong hoạt động phòng thủ dân sự.
- Phòng thủ dân sự phải chuẩn bị từ sớm, từ xa, phòng là chính; thực hiện phương châm bốn tại chỗ kết hợp với chi viện, hỗ trợ của trung ương, địa phương khác và cộng đồng quốc tế; chủ động đánh giá nguy cơ xảy ra sự cơ, thảm họa, xác định cấp độ phòng thủ dân sự và áp dụng các biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp để ứng phó, khắc phục kịp thời hậu quả chiến tranh, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, ổn định đời sống Nhân dân.
- Kết hợp phòng thủ dân sự với bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản của Nhân dân, bảo vệ môi trường, hộ sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Việc áp dụng các biện pháp, huy động nguồn lực trong phòng thủ dân sự phải kịp thời, hợp lý, khả thi, hiệu quả, tránh lãng phí và phù hợp với đối tượng, cấp độ phòng thủ dân sự theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hoạt động phòng thủ dân sự phải bảo đảm tính nhân đạo, công bằng, minh bạch, bình đẳng giới và ưu tiên đối tượng dễ bị tổn thương.
Cơ sở pháp lý: Điều 3 Luật Phòng thủ dân sự 2023.
Từ khóa: Chế độ tiền lương Tập huấn phòng thủ dân sự Phòng thủ dân sự Người lao động được huy động tập huấn phòng thủ dân sự Người lao động
- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email hotrophaply@NhanSu.vn;