"Rì viu sương sương" về việc học Luật ở Đại học Mở TP.HCM
Từng được biết tới như là một ngôi trường có sự phân tán ở nhiều cơ sở nhất TPHCM. Đại học Mở, trước khi xây dựng cơ sở học tập ở Nguyễn Kiệm – Gò Vấp ngày nay thì trước đó sinh viên của trường phải chia nhau ra học ở những cơ sở rải khắp địa bàn Thành phố, thậm chí là tận Bình Dương.
Khi đó (từ năm 2015 trở về trước), Đại học Mở chỉ có một ngành học là ngành Luật Kinh tế - trực thuộc Khoa Kinh tế - Luật. Và sinh viên Luật của trường đóng đô tại cơ sở 442 Đào Duy Anh. Nhắc tới cơ sở 442 DDA, đây là một cơ sở học cực kì đặc biệt. Địa chỉ là ở Đào Duy Anh nhưng lớp học lại đặt chễm chệ trên con đường Phổ Quang, nối giữa quận Tân Bình và Phú Nhuận. Những ai học ở đây chắc phải ám ảnh cái chuyện qua đường giữa giờ giải lao lắm.
Tuy nhiên tất cả chỉ là dĩ vãng, những kí ức về những phòng học chật chội và nóng bức, những kí ức về những dãy nhà có 5 lầu nhưng bước thang bộ muốn tắt thở vì bậc thang quá cao đã qua đi. Bây giờ, các bạn đã được học trong một cơ sở khang trang hơn, hoành tráng hơn, mát mẻ hơn và tỉ lệ thuận với nó là học phí cũng cao cao hơn chút chút.
Một góc trụ sở chính ở địa chỉ 97 Võ Văn Tần (Hình từ internet)
1. Tổng quan về ngành Luật ở Đại học Mở TP.HCM
Hiện nay, ĐH Mở TP.HCM đã có Khoa Luật và đào tạo 02 chuyên ngành là ngành Luật và ngành Luật kinh tế. Có thể nói, sau một thời gian không dài, ngành Luật của trường đã phát triển lớn mạnh và đã được nhà trường tách ra hoạt động độc lập để thích ứng được với nhu cầu của người học.
Nói về việc giảng dạy. Về chất lượng giảng viên thì sinh viên không phải quá băn khoăn, khi so sánh với những trường khác nhé. Bởi nhà trường ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu dày kinh nghiệp thì cũng kết hợp thuê những giảng viên thuộc các trường khác như ĐH Luật TPHCM, ĐH Kinh tế TPHCM về để phục vụ công tác giảng dạy.
Với những gì từng trải qua thì có một số gợi ý nho nhỏ sau để các bạn cân nhắc trong việc đăng ký môn học, một số giảng viên có tâm và dạy cuốn hút mình từng được học sẽ kể dưới đây:
- Luật Lao động: Cô Đoan
- Luât Đất đai, Luật Thương mại: Thầy Dương Kim Thế Nguyên
- Luật Kinh doanh BĐS: Thầy Võ Công Nhị.
- Luật Doanh nghiệp: Thầy Tuyền.
- Luật thương mại quốc tế: Thầy Hoàng Đại học ngoại thương.
- Luật cạnh tranh: Cô gì mình không nhớ tên nhưng đặc biệt ấn tượng với cách giảng bài của cô. Cô hơi đứng tuổi, da trắng, hay lấy ví dụ cho sinh viên dễ hiểu là những case của Unilever và P&G. Hình như cô tên Nhi thì phải.
Vì mình ra trường cũng đã lâu nên chỉ nhớ đặc biệt ấn tượng với những thầy cô kể trên và gợi ý tới các bạn tân sinh viên. Các bạn có thể tham khảo thêm những bạn sinh viên đang theo học nhé.
Về giáo trình thì các bạn cũng không phải bận tâm, HLU, ULAWs sử dụng giáo trình gì thì trường cũng sử dụng giáo trình tương tự nhé.
2. Đại học Mở có nghĩa là thi đề mở phải không?
Câu trả lời đúng là ở Đại học Mở thì các môn ngành Luật đa số thi đề mở. Nhưng giữa việc thi đề mở và cái tên của trường không có mối quan hệ biện chứng với nhau.
Việc thi đề mở tạo điều kiện và một tâm lý thoải mái cho sinh viên thi học và thi. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là bạn được nghỉ học thoải mái, tới ngày thi mang tài liệu vào chép và qua môn. Định hướng việc dạy ngành Luật ở ĐH Mở với tư duy khá “mở”. Sinh viên khi đi thi không phải mất quá nhiều thời gian để ôn bài, học bài. Đổi lại, để được điểm cao và có được sự nắm bắt kiến thức vững chắc, bạn phải theo học đầy đủ ở trường mà không được bỏ tiết. Với việc thi đề mở, việc bạn học tới đâu hiểu bài tới đó và hiểu ngay tại lớp giúp bạn tiết kiệm rất nhiều thơi gian. Tới trước ngày thi bạn chỉ cần một ít thời gian hệ thống lại kiến thức là đủ để thi. Còn điểm cao hay không tùy thuộc vào mức độ hiểu bài của bạn.
Nói tới chuyện thi cử. Với những gì từng trải qua với việc đã học qua 2 trường Đại học và học tại Học viện Tư pháp. Cá nhân mình cảm thấy việc thi cử ở OU là cực gắt. Giám thị coi thi nghiêm khắc còn hơn kì thi Đại học. Cho nên bạn đừng nghĩ tới việc có thể thảo luận, copy bài “thằng kế bên” nhé.
Cơ sở xịn sò tại Nguyễn Kiệm (Hình từ internet)
3. Ở Đại học Mở bạn có thể ra trường sớm tùy thuộc vào bản thân
Đại học Mở TP.HCM đào tạo theo hình thức tín chỉ. Sinh viên có thể tự do đăng ký các môn học không giới hạn số lượng ở mỗi học kì. Chính vì vậy, thời gian học tập là tùy thuộc vào bản thân. Cá nhân mình ngày xưa, thì học 3 năm đã kết thúc chương trình học và bắt đầu đi làm.
4. Những cái sướng ở Đại học Mở TP.HCM
- Một mình một cõi ở Nguyễn Kiệm, Gò Vấp. Bạn không phải lo lắng về việc cạnh tranh với trường khác trong vấn đề tìm người yêu. Nhưng cần đặc biệt lưu ý về tỉ lệ chênh lệch giới tính ở Khoa luật. Năm mình học, lớp mình có tới hơn 65% là nữ.
- Trường không đồng phục, các bạn có thể tự do diện quần áo của mình. Nhưng đừng có lố quá như vê đét nhé. Không là hôm sau lên con phét sừn ngay.
- Máy lạnh phải nói là lạnh, lạnh buốt tới óc. Chả bù cho những tháng ngày chật chội ở Đào Duy Anh, Mai Thị Lựu…
- Không chỉ giới hạn cho bất kì tích cách, sở thích nào. Theo mình được biết trường có rất nhiều câu lạc bộ, hội nhóm. Nếu các bạn thích tham gia các hoạt động xã hội thì có thể thoải mái lựa chọn những hội nhóm này để tham gia. Còn nếu bạn thuộc tuýp người chỉ biết học và nghiên cứu, thì xin chúc mừng, OU chính là nơi mà bạn thuộc về.
Ở Đại học Mở, đặc biệt chú trọng tới việc đầu tư cho các nghiên cứu khoa học của sinh viên với sự kèm cặp của những giảng viên dày dặn kinh nghiệm và tâm huyết, cùng với sự hậu thuẫn của nhà trường, đây chính là mảnh đất lành cho các bạn thích nghiên cứu, học thuật.
5. Kì học quân sự như một chuyến dã ngoại dài ngày ở Long Bình Tân
Trải nghiệm đầu ấn tượng nhất khi mới vào trường chắc hẳn là kì học quân sự. Và với nhiều cựu sinh viên, đây được xem là một kỷ niệm nhó nhạt phai trong suốt cuộc đờn mình.
Hơn 3 tuần ăn ngủ tại trường tại cơ sở Long Bình Tân và sinh hoạt như một quân nhân. Các bạn sẽ được rèn luyện kỷ luật, gắn bó và đoàn kết hơn. Và quan trọng hơn là cơ hội “có gấu” cực kì cao luôn nhé. Đợt khoa của mình đi học năm 2013 nhớ không lầm có tới 4 đôi gặp gỡ và yêu nhau. Và cầu nối của họ chính là “radio tình yêu” được phát lên lúc 9h mỗi tối.
Hình ảnh tại cơ sở Long Bình Tân - Đồng Nai (Hình từ internet)
6. Về điểm chuẩn vào trường
Mình thuộc thế hệ “cũ”, vào trường cũng khá lâu. Năm 2012, khi mình trượt NV1 và vào trường, khi đó điểm chuẩn của ngành Luật kinh tế ở mức trung bình, không quá cao. Theo trí nhớ của mình thì điểm chuẩn năm đó là 17 điểm.
Theo thời gian, cùng với sự thay đổi cách thức tính điểm tuyển sinh cũng như nhu cầu xã hội về ngành luật, thí sinh dự tuyển ngành Luật cao khiến cho điểm chuẩn ngành Luật của trường cũng “cao chót vót”, không thua kém những trường khác như Tôn Đức Thắng, ĐH Sài Gòn…
Điểm chuẩn Đại học Mở TP HCM (Năm 2019)
Trên là điểm chuẩn đầu vào ngành Luật của trường năm 2019. Các bạn có thể tham khảo thêm điểm chuẩn đầu vào những năm trước của trường ở các nguồn khác trên mạng nhé.
Với vị trí là cựu sinh viên OU, mình xin chia sẻ tới các bạn một chút ít trải nghiệm của bản thân mình. Có thể nó đã lỗi thời vì thời gian đã trôi qua khá lâu, nhưng đó là những trải nghiệm thật và mang trong mình những giá trị cốt lõi của ngành Luật ở trường. Các bạn có thể xem xét và cân nhắc nhé.
-
Mức lương của Trưởng phòng pháp chế là bao nhiêu?
Cập nhật 9 ngày trước -
Bộ phận pháp lý của công ty có vai trò gì?
Cập nhật 1 tháng trước -
Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?
Cập nhật 1 tháng trước -
Thông báo về việc tổ chức Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm?
Cập nhật 1 tháng trước -
Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên cuối năm 2024 phải nộp khi nào?
Cập nhật 1 tháng trước -
Cách viết Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý chi tiết? Mẫu Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý mới nhất?
Cập nhật 1 tháng trước