Pháp chế là gì? Nghề pháp chế và nhiệm vụ phòng pháp chế?

(có 4 đánh giá)

Xin hỏi pháp chế là gì và nghề pháp chế và nhiệm vụ của phòng pháp chế được quy định như thế nào? – Trúc Linh (TPHCM)

Pháp chế là gì? Nghề pháp chế và nhiệm vụ phòng pháp chế?

Pháp chế là gì? Nghề pháp chế và nhiệm vụ phòng pháp chế? (Hình từ internet)

Pháp chế là gì?

Pháp chế xuất hiện trong Hiến pháp 1980 cụ thể: Nhà nước quản lý xã hội theo pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa” (Điều 12). Khái niệm về pháp chế tiếp tục sử dụng và bổ sung ở Hiến pháp năm 1992.

Trong bản Hiến pháp hiện hành (ban hành năm 2013) thì khái niệm pháp chế không còn được quy định cụ thể.

Có thể hiểu, pháp chế là thể chế pháp luật được xác lập trong toàn bộ đời sống xã hội từ trong tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước đến các thiết chế,quan hệ xã hội, hoạt động, sinh hoạt của mọi chủ thể pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Những nguyên tắc của pháp chế có thể kể đến như sau:

- Pháp luật phải quy định rõ ràng, cụ thể, minh bạch toàn bộ việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước.

- Cán bộ, công chức nhà nước, cơ quan nhà nước phải nghiêm chỉnh tuân thủ theo pháp luật.

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật.

Nghề pháp chế và nhiệm vụ phòng pháp chế

Pháp chế doanh nghiệp là một hướng đi cho người học luật bên cạnh các nghề khác như luật sư, kiểm sát viên, công chứng viên, thừa phát lại,...

Trong đó, chuyên viên pháp chếđược biết đến là những người được đào tạo chuyên môn về pháp lý ở một số lĩnh vực pháp lý nhất định, chịu trách nhiệm về các công việc hành chính, điều hành pháp lý trong bộ phận pháp chế của một tổ chức hoặc văn phòng luật.

Công việc của pháp chế doanh nghiệp không có khuôn khổ chung, mỗi doanh nghiệp sẽ mỗi khác, tùy thuộc vào loại hình doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, quy mô hoạt động…

Tuy nhiên, có thể liệt kê một số nhiệm vụ phòng pháp chế doanh nghiệp như sau:

- Tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo doanh nghiệp trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi điều lệ doanh nghiệp, xây dựng và ban hành nội dung, quy chế của doanh nghiệp, kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đại diện pháp lý cho doanh nghiệp: Tổ chức pháp chế thay mặt cho chủ doanh nghiệp tham gia giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người lao động; tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện pháp lý theo ủy quyền của chủ doanh nghiệp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp và người lao động.

- Quản tri rủi ro cho doanh nghiệp: Trong đó dự báo, đánh giá và kiểm soát rủi ro là quan trọng, đặc biệt là khi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế bởi lợi nhuận càng cao rủi ro càng lớn.

- Soạn thảo hợp đồng, tài liệu pháp lý của công ty: Chuyên viên pháp chế sẽ tham gia vào việc soạn thảo các tài liệu, văn bản pháp lý và các hợp đồng, thỏa thuận để đảm bảo những quyền lợi hợp pháp của công ty. Cùng với đó là chịu trách nhiệm kiểm tra tính hợp pháp, hợp lý của các văn bản, hợp đồng pháp lý mà đơn vị ban hành, ký kết, tính hợp pháp của những giao dịch mà công ty thực hiện.

Chịu trách nhiệm chuẩn bị những hồ sơ pháp lý cần thiết của công ty. Thực hiện kiểm tra, bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện các tài liệu, văn bản giao dịch, các hồ sơ pháp lý nhằm đảm bảo mọi hoạt động đều đang được thực hiện theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp cùng các quy định pháp luật khác có liên quan do Nhà nước ban hành.

- Cập nhật các quy định, bổ sung mới về pháp luật hiện hành: Cập nhật, nghiên cứu các kiến thức mới nhất về pháp luật như thông tư, nghị định, các thay đổi về luật,... liên quan đến lĩnh vực mà đơn vị đang hoạt động một cách thường xuyên, kịp thời cho các cấp quản lý.

(có 4 đánh giá)
Theo Dương Châu Thanh
11.404