Không ký hợp đồng thử việc liệu có trái luật?

(có 1 đánh giá)

Thử việc là hoạt động mà doanh nghiệp nào cũng bắt buộc người lao động phải trải qua trước khi ký kết hợp đồng lao động chính thức. Vậy thử việc có phải ký hợp đồng lao động thử việc hay không? Không ký mà chỉ thỏa thuận thôi có được không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc trên.

Có yêu cầu bắt buộc ký hợp đồng thử việc?

Điều 24 Bộ luật lao động 2019  đã quy định về thử việc như sau:

Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận về thử việc bằng việc giao kết hợp đồng thử việc.

Theo đó, các bên khi có thỏa thuận về việc làm thử thì có thể ghi nhận nội dung thử việc trong hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng thử việc.

Tuy nhiên BLLĐ năm 2019 lại không đặt ra quy định cụ thể về hình thức của hợp đồng thử việc mà chỉ quy định về hình thức của hợp đồng lao động.

Theo Điều 14 BLLĐ năm 2019, hợp đồng lao động có thể được giao kết dưới 03 hình thức: văn bản, lời nói, dữ liệu điện tử. Trong đó, với hợp đồng lao động bằng lời nói chỉ được áp dụng đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 01 tháng nhưng với trường hợp này người lao động sẽ không phải thử việc (căn cứ khoản 2 Điều 14 và khoản 3 Điều 24 BLLĐ năm 2019).

Chính vì vậy, nếu lựa chọn thỏa thuận thử việc tại hợp đồng lao động, các bên sẽ phải tiến hành giao kết hợp đồng bằng văn bản hoặc thông qua dữ liệu điện tử. Còn nếu giao kết hợp đồng thử việc, các bên được tùy chọn hình thức của hợp đồng.

Như vậy, khi thử việc, các bên không bắt buộc phải ký thành hợp đồng mà có thể thỏa thuận miệng về hợp đồng thử việc. Đồng nghĩa với đó, dù có thỏa thuận về thử việc nhưng không ký hợp đồng vẫn được coi là đúng luật.

(có 1 đánh giá)
Quỳnh Ny
Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email info@nhanlucnganhluat.vn.
2.627 
Việc làm mới nhất