Cắt, ghép ảnh vu khống để đòi nợ, xử lý như thế nào?
Tôi đang bị một vài cá nhân, tổ chức cho vay nặng lãi cắt ghép ảnh, vu khống trên mạng, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của tôi thì phải xử lý như thế nào? (Thùy Ngân - Tp Hồ Chí Minh)
1. Tín dụng đen là gì?
"Cấp tín dụng" là một trong những nghiệp vụ hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng khi thực hiện thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác theo lãi suất được nhà nước quy định.
"Tín dụng đen" là hình thức cấp tín dụng của các tổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh, chưa được sự cho phép của Nhà nước mà vẫn cho các cá nhân, tổ chức khác cho vay với mức lãi suất "cắt cổ" hay còn gọi là cho vay nặng lãi.
Cắt, ghép ảnh vu khống để đòi nợ, xử lý như thế nào? (Hình từ Internet)
2. Tội vu khống theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Căn cứ Điều 156 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định:
"Điều 156. Tội vu khống 1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm: a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với 02 người trở lên; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình; đ) Đối với người đang thi hành công vụ; e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội; g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: a) Vì động cơ đê hèn; b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Làm nạn nhân tự sát. 4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm." |
Theo đó tội vu khống được thực hiện dưới 2 hành vi:
- Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
- Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền;
3. Thực trạng, thủ đoạn đòi nợ bất hợp pháp của các tổ chức "tín dụng đen".
Hiện nay, vì lợi ích bản thân mà một số người, nhóm người đã có hành vi cho vay nặng lãi với mức lãi suất có thể coi là trên trời nhằm trục lợi từ những hoàn cảnh khó khăn hoặc những người có nhu cầu vay vốn để làm ăn. Tiếp cận những đối tượng này, các tổ chức "tín dụng đen" bắt đầu đưa ra những lời mời gọi, những điều khoản không rõ ràng để cho nạn nhân cảm giác được mình sẽ có khả năng trả nợ nhưng thực tế mức lãi suất có thể gấp 10, gấp 20 lần so với quy định nhà nước. Hậu quả là hàng ngàn, hàng vạn người và hơn thế nữa trở thành "con nợ" và bắt đầu cực khổ trả khoản nợ mà không bao giờ hết vì mức lãi suất bất hợp lý.
Và khi các con nợ không còn khả năng trả nợ, hoặc từ chối trả nợ vì lãi suất quá cao thì các tổ chức tín dụng đen này sẽ thực hiện các hoạt động đòi nợ trái quy định pháp luật như:
- Gọi điện thường xuyên, liên tục cho bản thân người vay, người thân của họ và thậm chí cho những người quen biết thông thường nhằm mục đích hối thúc, ép nạn nhân phải trả nợ.
- Một số tổ chức tín dụng đen còn có hành vi côn đồ hơn khi trực tiếp đến nhà nạn nhân để chửi bới, đập phá đồ đạc, uy hiếp nạn nhân và người trong gia đình họ để có thể thu được tiền.
- Và nhiều thủ đoạn khác nữa, tuy nhiên một trong những thủ đoạn thường xuyên thấy nhất trong những năm gần đây là hành vi cắt ghép ảnh, vu khống nạn nhân trên các trang mạng xã hội. Cụ thể các đối tượng này sử dụng điện thoại, các tài khoản mạng xã hội gọi điện, nhắn tin, chửi bới, đe dọa hoặc cắt hình ảnh người vay tiền, người thân ghép vào ảnh cáo phó đám tang, ảnh đồi trụy, thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo… sau đó gửi cho khách hàng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người vay tiền qua mạng xã hội Zalo, Facebook nhằm gây sức ép.
Hậu quả là nhiều nạn nhân của tổ chức tín dụng đen phải sống trong tâm lý lo âu, áp lực, tủi nhục, gồng mình trả những khoản nợ không bao giờ hết cũng như liên lụy đến người thân trong gia đình vì những thủ đoạn đòi nợ trái quy định, thậm chí nhiều người còn cùng cực đến mức phải tự tử vì không chịu nổi sự đe dọa của các tổ chức tín dụng đen này.
4. Cách xử lý khi trở thành nạn nhân bị vu khống của các tổ chức tín dụng đen trên các trang mạng xã hội.
Căn cứ theo quy định tại Điều 156 Bộ Luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 nêu trên thì hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt lên đến 01 năm tù.
Trường hợp có phạm tội có tổ chức, sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội sẽ bị truy cứu với mức phạt cao nhất là 03 năm tù. Thậm chí nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn như làm nạn nhân tự sát thì mức phạt cao nhất là 07 năm tù.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Do đó, nếu có đủ bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm pháp luật, các đối tượng nói trên có thể bị xử lý về tội vu khống.
Các thức xử lý khi bị quấy rối, đe dọa, vu khống, các cá nhân, tổ chức có thể gửi đơn trình báo, đơn tố cáo kèm chứng cứ (số điện thoại, thông tin, hình ảnh tin nhắn…) đến cơ quan công an, Sở Thông tin và Truyền thông để được hỗ trợ xử lý về hành vi sử dụng dịch vụ viễn thông đe dọa, vu khống, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Khi gửi đơn trình báo, tố cáo đến cơ quan công an, các cá nhân, tổ chức cần thu thập, cung cấp các tài liệu chứng cứ mà mình có nhằm giúp cho công tác điều tra diễn ra nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó cũng phối hợp với cơ quan điều tra lấy lời khai, bổ sung các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu, và khi xác minh có dấu hiệu phạm tội, thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành khởi tố theo đúng quy định pháp luật.
Do đó khi vướng phải những trường hợp này, các cá nhân, tổ chức cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an sớm nhất có thể để được cơ quan nhà nước bảo vệ cũng như hạn chế những hậu quả, thiệt hại không mong muốn có thể xảy ra.
-
Mức lương của Trưởng phòng pháp chế là bao nhiêu?
Cập nhật 15 ngày trước -
Bộ phận pháp lý của công ty có vai trò gì?
Cập nhật 15 ngày trước -
Mục đích của soạn thảo hợp đồng là gì? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng đúng chuẩn?
Cập nhật 15 ngày trước -
Thông báo về việc tổ chức Kỳ kiểm tra kết quả tập sự hành nghề công chứng lần thứ năm?
Cập nhật 17 ngày trước -
Bản kiểm điểm cá nhân Đảng viên cuối năm 2024 phải nộp khi nào?
Cập nhật 17 ngày trước -
Cách viết Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý chi tiết? Mẫu Bản kiểm điểm cá nhân lãnh đạo quản lý mới nhất?
Cập nhật 19 ngày trước