Các quy định pháp luật liên quan đến quyền hình ảnh cá nhân, bí mật cá nhân

Với sự bùng nổ của công nghệ nên việc nhà nhà người người lắp camera giám sát trong nhà đề phòng trộm cướp hoặc đơn giản là giám sát các hoạt động không còn quá xa lạ. Tuy nhiên gần đây lại rộ lên tệ nạn nhiều hacker đã hack camera của các hộ gia đình sử dụng để mua bán trực tiếp trên mạng nhất là đối với người nổi tiếng và có sức ảnh hưởng mạng xã hội tùy vào các mục đích khác nhau như mua bán, tống tiền,… Đây là hành động vô cùng nguy hiểm và trái với đạo đức xã hội. Vậy pháp luật quy định như thế nào về quyền hình ảnh cá nhân, bí mật đời tư?

Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình

Điều 32 Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

“Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

Luật chỉ quy định một số trường hợp cụ thể được sử dụng hình ảnh cá nhân mà không cần sự đồng ý tại khoản 2 điều 32 BLDS 2015.

Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.

Quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình

Điều 38 BLDS 2105 đã khẳng định rõ: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.”

Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý hoặc nếu có liên quan đến gia đình thì phải được gia đình đồng ý. Trừ quy định khác của pháp luật.

Hành vi hack camera phát tán hình ảnh, clip hình người khác dù là mục đích gì đi nữa vẫn là hành vi vi phạm pháp luật

Việc tuỳ tiện đưa hình ảnh của người khác lên mạng sẽ bị coi là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư.

Bộ luật Dân sự cũng quy định về việc bồi thường những thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.

Hành vi phát tán hình ảnh, clip có thể xem xét để xử lý hình sự. Luật Công nghệ thông tin đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về trách nhiệm đối với việc thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ thông tin cá nhân của người khác trên môi trường mạng. Đối với việc đưa thông tin, hình ảnh trái phép lên mạng máy tính gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự theo Điều 226 Bộ Luật Hình sự.

Việc tự ý hack camera giám sát với những đoạn ghi hình nhạy cảm (hình ảnh khỏa thân, ghi hình đời sống riêng tư vợ chồng) để uy hiếp, mua bán trao đổi có thể bị truy cứu hình sự tội làm nhục người khác. Theo quy định tại điều 121 BLHS 2015 thì tùy vào mức độ vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm tù hoặc phạt từ từ 03 tháng đến 02 năm tù giam.

Ngoài ra tùy vào mục đích cụ thể mà có thể bi truy tố các tội danh hình sự như Tội cưỡng đoạt tài sản (Gửi clip hack được camera để tống tiền khổ chủ); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy.

Pháp luật đã có những chế tài rõ ràng cho từng loại tội danh cụ thể tuy nhiên cũng không thể kiểm soát hết hành động của tội phạm. Việ xâm phạm hack camera giám sát, tung hình ảnh, clip cá nhân là hành động vô đạo đức gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống và tâm lý người bị hại.

Theo Quỳnh Ny
2.946