Chở trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Một số lưu ý khi chở trẻ em tham gia giao thông đường bộ?

Theo quy định mới thì chở trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Cần lưu ý gì khi chở trẻ em tham gia giao thông đường bộ?

Đăng bài: 16:06 11/01/2025

Chở trẻ em dưới 10 tuổi ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không?

Ngày 26 tháng 12 năm 2024, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm Giấy phép lái xe.

Căn cứ theo điểm m khoản 3 Điều 6 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Xử phạt, trừ điểm giấy phép lái xe của người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

...

3. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

...

m) Chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế) hoặc không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em theo quy định;

...

Theo quy định trên, chở trẻ em dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô ngồi cùng hàng ghế với người lái xe (tức là ghế trước ô tô bên cạnh người lái xe), quy định này không áp dụng với xe ô tô chỉ có một hàng ghế thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người điều khiển xe ô tô.

Theo đó, để bị xử phạt theo phải thỏa mãn đủ 2 yếu tố cùng lúc là: Chở trẻ em dưới 10 tuổi và có chiều cao dưới 1,35m. Trường hợp không thỏa một trong hai điều kiện trên thì vẫn không bị xử phạt.

Tuy nhiên, căn cứ theo Điều 53 Nghị định 168/2024/NĐ-CP quy định như sau:

Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025, trừ quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại điểm m khoản 3 Điều 6, điểm e khoản 4 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 27 của Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2026; quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 của Nghị định này có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Theo đó, quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2026.

Như vậy, hiện tại việc chở trẻ em dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35 mét vẫn chưa bị xử phạt, chính thức xử phạt đối với hành vi này từ ngày 01 tháng 01 năm 2026

>>Năm 2025, xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải đáp ứng các yêu cầu gì?

Chở trẻ em ngồi ghế trước ô tô có bị phạt không? Một số lưu ý khi chở trẻ em tham gia giao thông đường bộ?(Hình từ Internet)

Thiết bị an toàn cho trẻ em là gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 13 Điều 2 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có nêu rõ về thiết bị an toàn cho trẻ em như sau:

Thiết bị an toàn cho trẻ em là thiết bị có đủ khả năng bảo đảm an toàn cho trẻ em ở tư thế ngồi hoặc nằm trên xe ô tô, được thiết kế để giảm nguy cơ chấn thương cho người dùng trong trường hợp xảy ra va chạm hoặc xe ô tô giảm tốc độ đột ngột, bằng cách hạn chế sự di chuyển của cơ thể trẻ em.

Một số lưu ý khi chở trẻ em tham gia giao thông đường bộ?

Bắt buộc sử dụng đai an toàn, ghế chuyên dụng cho trẻ em

Căn cứ theo khoản 7 Điều 5  Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:

Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ

...

7. Thành viên trong gia đình có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở thành viên khác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, sử dụng dây đai an toàn, ghế dành cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em phía sau khi chở trẻ em dưới 06 tuổi bằng xe gắn máy, xe mô tô.

Theo đó, phải sử dụng đai an toàn cho trẻ em, đối với chở trẻ em dưới 06 tuổi thì phải có ghế chuyên dụng cho trẻ em hoặc có người lớn ngồi cùng trẻ em ở phía sau

Quy định về chở trẻ em dưới 12 tuổi trong trường hợp “chở 3” trên xe máy

Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 33 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định như sau:

Người lái xe, người được chở, hàng hóa xếp trên xe mô tô, xe gắn máy

1. Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người, trừ những trường hợp sau thì được chở tối đa hai người:

a) Chở người bệnh đi cấp cứu;

b) Áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật;

c) Trẻ em dưới 12 tuổi;

d) Người già yếu hoặc người khuyết tật.

...

Theo đó, người điều khiển xe mô tô hai bánh hoặc xe gắn máy chỉ được chở một người. Tuy nhiên, nếu chở trẻ em dưới 12 tuổi, người lái xe được phép chở tối đa hai người.

Điều này có nghĩa là độ tuổi tối đa của trẻ em được phép “chở 3” theo quy định mới là dưới 12 tuổi, giảm 2 tuổi so với quy định trong Luật Giao thông đường bộ 2008 (14 tuổi).

>>Mức xử phạt với lỗi chở trẻ em từ 06 tuổi trở lên ngồi phía trước khi đi xe máy mới nhất

1772 Đinh Thị Trâm Anh

- Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của NhanSu.vn, chỉ mang tính chất tham khảo;

- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];

CHỦ QUẢN: CÔNG TY TNHH THƯ VIỆN PHÁP LUẬT

Mã số thuế: 0315459414, cấp ngày: 04/01/2019, nơi cấp: Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM

GP thiết lập trang TTĐTTH số 30/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP.HCM cấp ngày 15/06/2022.

Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 2288

Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm số: 4639/2025/10/SLĐTBXH-VLATLĐ cấp ngày 25/02/2025.

Địa chỉ trụ sở: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;

THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
...loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu...
THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT
...hiểu pháp lý, rõ quy hoạch, giao dịch nhanh...