Xuất khẩu lao động là gì? Những ngành nghề phổ biến khi đi xuất khẩu lao động?
Xuất khẩu lao động là gì? Những ngành nghề phổ biến khi đi xuất khẩu lao động và một số lưu ý cần nắm đối với người đi xuất khẩu lao động
Xuất khẩu lao động là gì?
Hiện nay pháp luật Việt Nam không có định nghĩa về xuất khẩu lao động nhưng khoản 1 Điều 3 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có giải thích về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
...
Theo đó có thể hiểu xuất khẩu lao động là việc công dân Việt Nam từ đủ 18 trở lên cư trú tại Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, là hoạt động làm việc có thời hạn tại nước ngoài và dưới sự quản lý, cấp phép của cơ quan nhà nước.
Những ngành nghề phổ biến khi đi xuất khẩu lao động
Các khối ngành cơ khí, kỹ thuật và xây dựng
- Hàn, tiện, lắp ráp linh kiện, cơ khí chính xác
- Lắp đặt điện, xây dựng công trình
Các ngành chế biến, sản xuất và công nghiệp
- Lắp ráp điện tử; chế biến thực phẩm, đóng gói; may mặc, giày da
- Phù hợp cho cả nam và nữ với yêu cầu kỹ thuật tay nghề cơ bản
Ngành dịch vụ, nhà hàng khách sạn
- Phục vụ, đầu bếp, dọn phòng
- Lễ tân, pha chế (nếu biết tiếng Anh/Nhật tốt) Các thị trường như Nhật, Singapore rất cần
Chăm sóc người cao tuổi, điều dưỡng, y tế
- Chăm sóc người cao tuổi, người bệnh
- Hỗ trợ tại viện dưỡng lão, trung tâm y tế, nhu cầu rất cao ở Nhật Bản, CHLB Đức
Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản
- Trồng rau, hoa, chăn nuôi
- Làm việc theo mùa vụ.
Một số lưu ý khi thực hiện việc ký kết hợp đồng xuất khẩu lao động
- Phải đi làm việc qua các công ty về xuất khẩu lao động uy tín, được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp phép
- Nắm rõ hợp đồng lao động: thời hạn, lương, điều kiện ăn ở, làm thêm...
- Chuẩn bị ngoại ngữ cơ bản (tiếng Nhật, Hàn, Trung…) nơi mà mình đến làm việc
- Có các giấy tờ hợp lệ: hộ chiếu, visa, lý lịch tư pháp, chứng nhận sức khỏe
- Không nên tin vào các môi giới không rõ ràng, tránh lừa đảo
Lợi ích khi đi xuất khẩu lao động:
- Mức thu nhập hấp dẫn (từ 15 – 35 triệu đồng/tháng tuỳ thị trường hoặc có thể hơn tùy vào năng lực và trình độ)
- Học hỏi kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, kỷ luật tại nước ngoài
- Tiếp xúc môi trường quốc tế, nâng cao ngoại ngữ
- Có thể tiết kiệm gửi tiền về hỗ trợ gia đình, đầu tư kinh doanh sau khi về nước
Xuất khẩu lao động là gì? Những ngành nghề phổ biến khi đi xuất khẩu lao động (Hình từ Internet)
Nhà nước có những chính sách nào về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng?
Căn cứ Điều 4 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 quy định những chính sách của nhà nước đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như sau:
- Khuyến khích nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; phát huy và sử dụng hiệu quả nguồn lao động sau khi đi làm việc ở nước ngoài trở về.
-Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong một số ngành, nghề, công việc cụ thể có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao hoặc Việt Nam có ưu thế được hưởng một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút, thúc đẩy và hỗ trợ phát triển ngành, nghề, công việc để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và sử dụng người lao động sau khi về nước phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ.
- Bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Mở rộng hợp tác quốc tế trong hoạt động phát triển thị trường lao động mới, an toàn, việc làm có thu nhập cao, ngành, nghề, công việc cụ thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
- Bảo đảm bình đẳng giới, cơ hội việc làm, không phân biệt đối xử trong tuyển chọn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; có biện pháp hỗ trợ bảo vệ người lao động Việt Nam ở nước ngoài phù hợp với các đặc điểm về giới.
- Hỗ trợ hòa nhập xã hội và tham gia thị trường lao động sau khi về nước.
- Nội dung nêu trên được NhanSu.vn biên soạn và chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho các tư vấn chuyên sâu từ chuyên gia.
- Điều khoản được áp dụng (nếu có) có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc. Quý khách vui lòng kiểm tra lại thông tin trước khi áp dụng.
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền, nội dung của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ email [email protected];