Giải pháp chống thực tập không lương: Sinh viên không được tự hạ giá mình

(có 15 đánh giá)

Gần đây, NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT có đăng bài viết về câu chuyện “thực tập không lương”, sau khi đọc bài viết tôi cảm thấy khá đồng tình, thông qua đó tôi muốn chia sẻ với các bạn.

>> Mẫu đơn xin việc mới nhất

>> Cử nhân Luật cần tự bảo vệ mình trước làn sóng “thực tập không lương”

Tìm công việc Thực tập phù hợp

Trước khi vào bài, tôi xin nhấn mạnh rằng "thực tập" ở đây tôi không nhắc đến đối tượng là những sinh viên chọn thực tập ở những cơ quan, đơn vị nhà nước trong thời gian còn đi học mà chỉ nói đến việc đi thực tập ở các doanh nghiệp và thững bạn sau khi tốt nghiệp đại học lại sẵn sàng đi "thực tập" ở những doanh nghiệp trên thị trường nhé.
Tôi là một chuyên viên tuyển dụng, tính đến nay đã có 4 năm kinh nghiệm trong nghề, trải qua 02 công ty với hai lĩnh vực hoạt động khác nhau, nhưng công việc của tôi vẫn thế, phụ trách tuyển dụng cho công ty. Từ đầu năm đến nay, công ty tôi có chủ trương tuyển một số bạn sinh viên vào thực tập, các bạn sẽ được sắp xếp lịch làm việc phù hợp với lịch học. Mục đích là công ty chúng tôi muốn “đi tắt đón đầu”, tìm những bạn có năng lực tốt ngay từ ghế nhà trường, nếu phù hợp với công ty sẽ tiến hành bồi dưỡng đào tạo, và đó sẽ là nguồn nhân lực sau này của công ty chúng tôi. Đối tượng mà tôi nhắm tới là những bạn sinh viên Luật năm cuối, vì tôi biết rằng học Luật năm cuối các bạn sắp kết thúc chương trình, nhu cầu tìm việc làm của các bạn cũng bắt đầu hình thành và đặc biệt là các bạn cần một nơi để “thực tập” thực sự.

 

Video Thực tập không lương

Dạo quanh các nhóm tuyển dụng trên facebook và một số website tuyển dụng, tôi nhận thấy rằng chủ trương của công ty tôi có khác một chút với rất nhiều nơi tuyển thực tập khác. Cái “một chút” khác đó của công ty tôi lại chính là điểm mà chúng tôi ghi được để nhận được rất nhiều hồ sơ ứng tuyển, và không ít trong đó là những CV đẹp với những bảng điểm “hoành tráng” của ứng viên. Công ty tôi tuyển thực tập và trả lương, làm nhiều trả lương nhiều, làm ít trả lương ít.

Tuyển dụng “thực tập”, đây là một mối quan hệ “win – win”, chúng tôi có nguồn lao động trẻ, tuy còn chưa vững tay nghề nhưng là những người giàu long nhiệt huyết và chịu học hỏi. Các bạn sinh viên có nơi để ứng dụng những kiến thức mà mình học, được va chạm với môi trường pháp lý trong xã hội. Nhưng không phải vì mối quan hệ “win-win” đó mà chúng tôi phớt lờ đi những quy định pháp luật về lao động hiện hành ở Việt Nam.

Câu chuyển sẽ không có gì đặc biệt cho đến khi tôi tiến hành phỏng vấn để chọn ra 3 bạn vào thực tập. Tôi chọn được 15 hồ sơ ứng viên và lên lịch phỏng vấn, vì một vài lý do mà chỉ có 9 bạn đến đúng hẹn. Trải qua những bài test về IQ và logic và những câu hỏi pháp lý thông thường. Cho đến phần trao đổi về công việc, có một câu hỏi mà tôi luôn luôn dành cho ứng viên, đó là “Em mong muốn mức lương bao nhiêu”. Một điều bất ngờ là có đến 6 bạn trả lời tôi rằng “Em không biết”. Tôi hỏi lý do tại sao mình muốn lương bao nhiêu mà lại không biết thì có chung một đáp án là:

“Vì em chưa có kinh nghiệm, em chỉ muốn tìm nơi thực tập để rèn luyện, học hỏi thôi chứ chưa biết rằng mình sẽ làm được gì, cho nên lương bao nhiêu tùy phía công ty quyết định”

Tôi hỏi thêm ứng viên: “Thế  công ty không trả lương, chỉ tạo điều kiện cho em thực tập em có làm không?”

Và các câu trả lời đều là “Có”.

Những câu trả lời này tôi ghi nhận, sau đó tôi cũng tuyển được ứng viên phù hợp và đương nhiên là các bạn ấy vui vẻ, hào hứng rất nhiều với mức lương 3 triệu đồng/tháng, mỗi tuần trừ lịch học còn 4 ngày làm việc/tuần.

Lần tuyển dụng này để lại trong tôi rất nhiều băn khoăn, và khi tôi đọc được bài viết của NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT nó càng khiến tôi có động lực để chia sẻ.

Tôi nắm bắt được tâm lý của các bạn sinh viên, các bạn sẵn sàng thực tập không lương vì những lý do sau:

- Nghĩ rằng mình “không biết gì”;

- Muốn có nơi để tiếp xúc công việc thực tế, đó là ưu tiên hàng đầu để làm đẹp CV;

- Học hỏi được kinh nghiệm.

Có thể còn nhiều lý do nữa, nhưng theo tôi trên là 03 lý do chính. Nhưng các bạn nên biết rằng, mong muốn “sẵn sàng” thực tập không lương của các bạn trước nhất là gây thiệt hại cho chính mình, sau đó là gây thiệt hại cho công ty bạn thực tập và thậm chí là gây thiệt hại cho xã hội.

Gây thiệt hại cho chính mình như thế nào?

Khi các bạn đi thực tập, dù ít hay nhiều thì công sức lao động bạn bỏ ra cũng tạo ra giá trị thặng dư. Bạn đi photo hồ sơ tài liệu, bạn lau dọn nhà cửa, bạn đun nước pha trà… bất kì việc nào cũng tạo ra giá trị thặng dư. Và đương nhiên giá trị bạn tạo ra phải được trả lương xứng đáng. Bạn không nhận lương/không được nhận lương khi làm việc, bạn là người thiệt thòi. Mà khi bạn chủ động chấp nhận việc không nhận lương, chính là bạn đang gây thiệt thòi cho chính bản thân mình.

Tại sao lại có thể gây thiệt hại cho công ty bạn xin thực tập

Đi làm, tiền chính là một trong những động lực lớn nhất. Khi bạn không nhận được mức lương xứng đáng, tâm lý làm việc của bạn sẽ khác với một người nhận lương. Ý thức trách nhiệm vô tình nó cũng sẽ khác đi, đó là quy luật tất yếu. Và khi ý thức trách nhiệm không cao, thì khả năng sai sót trong công việc dẫn đến thiệt hại cho công ty là cao hơn rất nhiều.

Gây thiệt hại cho các bạn sinh viên mới ra trường khác

Bạn sẵn sàng thực tập không lương, thêm một vài bạn khác cũng giống như bạn sẽ tạo ra 02 hiệu ứng mà thực tế trong thị trường lao động này đã và đang tồn tại.

  • Hiệu ứng thứ nhất, vô tình bạn đang kéo mức giá lao động trung bình của sinh viên mới ra trường thấp xuống. Với tâm lý đám đông, khiến cho nhiều bạn sinh viên khác cũng nghĩ rằng “mới ra trường” thì “biết gì đâu”. Trong dài hạn, mức giá trung bình của lao động được kéo xuống thấp rất thấp. Điều này đã xảy ra thực tế với lao động là cử nhân luật mới ra trường.
  • Hiệu ứng thứ hai, gây ra hậu quả là nhà tuyển dụng sẽ cho rằng lao động là sinh viên mới ra trường thật sự rất rẻ. Và cứ thế họ vẫn sẽ đăng tuyển thực tập không lương.

Hai hiệu ứng này có quy luật tương hỗ lẫn nhau, hiệu ứng này càng lớn kéo theo hiệu ứng kia cũng lớn lên và kết quả cuối cùng thiệt thòi nhất vẫn là các bạn sinh viên mới ra trường. Tự nhiên các bạn bị mặc định bị xem là nguồn lao động giá rẻ, thậm chí là miễn phí.

Tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật từ việc đi xin thực tập

Ở Việt Nam hiện nay có mức lương tối thiểu vùng, pháp luật lao đông hiện nay không có quy định về hình thức lao động “thực tập”, cũng như là “học việc”. Khi phát sinh quan hệ lao động, thì phải có trả lương một cách tương xứng. Đặc biệt với các bạn đã hoàn thành chương trình học rồi, đi làm toàn thời gian như một nhân viên bình thường thì bạn càng phải yêu cầu lương. Nếu doanh nghiệp không trả lương thì doanh nghiệp sai, trừ khi người lao động sẵn sàng chấp nhận việc “không trả lương” đó.

Khi bạn chấp nhận vào làm không lương, thì chính bạn đang tiếp tay cho những hành vi sai phạm mà pháp luật lao động không cho phép. Và vô tình biến nó thành hành vi không bị pháp luật cấm, bởi lúc này chính bạn cũng đã thỏa hiệp việc mình không được trả lương.

Có cách nào để thay đổi tình trạng này không?

Theo tôi là có, sẽ có rất nhiều điều cần thay đổi mà trước hết là thay đổi từ chính các bạn sinh viên mới ra trường. Hãy loại bỏ ngay tư tưởng sẵn sàng làm việc không lương. Sẵn sàng làm “chân chạy” của công ty nào đó chỉ vì mục đích là học hỏi kinh nghiệm mà không được nhận được đồng lương xứng đáng. Nếu làm như thế, các bạn đang tự biến mình trở thành chân chạy ngô nghê, nhiệt thành. Khi các bạn cùng nhau "nâng giá" mình lên thì sẽ không có ai có thể trả giá thấp được, trả giá thấp các bạn không được thỏa hiệp.

Nâng giá ở đây tôi muốn nói là các bạn phải biết khả năng của chính mình, biết đánh giá năng lực của mình mà tự định giá, đương nhiên không nên định giá quá cao và càng không nên định giá quá thấp, bởi vì pháp luật hiện nay có quy định mức lương tối thiểu vùng. Các bạn cứ lấy đó làm cơ sở để tự nâng giá, đồng loạt nâng giá bản thân lên. Đừng để mức giá bình quân của cả một nhóm đối tượng lao động xuống quá thấp khiến chính mình và người khác chịu thiệt.

(có 15 đánh giá)
Theo NHÂN LỰC NGÀNH LUẬT
18.477