Trợ giúp viên pháp lý và những điều sinh viên luật cần biết

(có 3 đánh giá)

Em hiện tại đang là một sinh viên luật và đang tìm hiểu về nghề trợ giúp viên pháp lý. Em muốn biết tiêu chuẩn của trợ giúp viên pháp lý là gì? (Thanh Hùng - Bình Dương)

1. Trợ giúp viên pháp lý là nghề nghiệp gì?

Trợ giúp viên pháp lý là người thực hiện các việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý trong vụ việc trợ giúp pháp lý theo quy định Luật Trợ giúp pháp lý 2017 (trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại), và làm việc tại Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Trong đó, trợ giúp viên pháp luật thực hiện công việc của mình bằng các hình thức như: tham gia tố tụng (bao gồm tố tụng dân sự và tố tụng hình sự), tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng.

2. Ai có thể trở thành một trợ giúp viên pháp lý?

Chính vì mục đích thiết thực mà trợ giúp viên pháp lý mang lại nên yêu cầu đối với nghề nghiệp này cần phải được đảm bảo.

Theo đó, để trở thành một trợ giúp viên pháp, cá nhân phải đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Điều 19 Luật Trợ giúp pháp lý 2017, cụ thể như sau:

Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:

- Có phẩm chất đạo đức tốt;

- Có trình độ cử nhân luật trở lên;

- Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;

- Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.

Do đó có thể thấy, nền tảng đầu tiên của trợ giúp viên pháp lý xuất phát từ một cử nhân luật.

Vậy nên nếu bạn là sinh viên luật, có mong muốn đem các tất cả các kiến thức pháp lý của mình đã được trui rèn sau bốn năm học trên giảng đường để hỗ trợ pháp lý cho những người khó khăn, người yếu thế trong xã hội thì đây có thể là một nghề nghiệp đáng để các bạn sinh lưu tâm.

Trợ giúp viên pháp lý và những điều sinh viên Luật cần biết (Hình từ internet)

3. Các đối tượng được trợ giúp viên pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí

Các đối tượng được trợ giúp viên pháp lý cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí thường là những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, người yếu thế, người thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức pháp lý cần sự hỗ trợ chuyên môn.

Cụ thể tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp 2017, các đối tượng được trợ giúp pháp lý bao gồm:

- Người có công với cách mạng.

- Người thuộc hộ nghèo.

- Trẻ em.

- Người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

- Người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính:

+ Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ;

+ Người nhiễm chất độc da cam;

+ Người cao tuổi;

+ Người khuyết tật;

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự;

+ Nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình;

+ Nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người;

+ Người nhiễm HIV.

4. Một trợ giúp viên pháp lý có những quyền và nghĩa vụ gì trong công việc trợ giúp pháp lý?

Nhằm đảm bảo trợ giúp viên pháp lý an tâm, tận tụy, gắn bó lâu dài trong công việc và phát huy tối đa “tính xã hội” của nghề nghiệp này mang lại, Luật Trợ giúp pháp lý 2017 đã đưa ra các quy định liên quan đến quyền và và nghĩa vụ của trợ giúp viên pháp sẽ có được khi hành nghề.

Cụ thể, trợ giúp viên pháp lý có quyền và nghĩa vụ sau đây:

- Thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật;

- Từ chối hoặc không tiếp tục thực hiện trợ giúp pháp lý trong các trường hợp theo luật định;

- Bảo đảm chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý;

- Tuân thủ nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý;

- Nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý;

- Bồi thường hoặc hoàn trả một khoản tiền cho tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý đã trả cho người bị thiệt hại do lỗi của mình gây ra khi thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

- Tham gia các khóa tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý;

- Thực hiện nhiệm vụ khác theo phân công;

- Được hưởng chế độ, chính sách theo quy định.

5. Những lợi ích khi hành nghề trợ giúp viên pháp lý

Tuy đây không phải một nghề nghiệp phổ biến so với các nghề trong lĩnh vực pháp lý, tuy nhiên với mục đích, ý nghĩa đã nêu ở trên, việc duy trì công việc này là cần thiết

Theo đó, Nhà nước đã ra một số chính sách, chế độ để cá nhân yên tâm hành nghề, hỗ trợ pháp lý cho các đối tượng cần hỗ trợ như sau:

- Trợ giúp viên pháp lý có các chức danh nghề nghiệp viên chức theo quy định của pháp luật.

- Trợ giúp viên pháp lý được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề bằng 25% mức lương hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp vượt khung (nếu có).

- Trợ giúp viên pháp lý được cấp trang phục riêng theo tiêu chuẩn, niên hạn sau đây:

+ Quần áo vest: cấp 02 năm/01 lần, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;

+ Áo sơ mi dài tay: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 cái, các lần sau mỗi lần 01 cái;

+ Quần áo xuân hè: cấp hàng năm, lần đầu được cấp 02 bộ, các lần sau mỗi lần 01 bộ;

+ Giầy da: 01 đôi/01 năm;

+ Dép quai hậu: 01 đôi/01 năm;

+ Thắt lưng: 01 cái/02 năm;

+ Cà vạt: 01 cái/02 năm;

+ Bít tất: 02 đôi/01 lần/01 năm;

+ Cặp đựng tài liệu: 01 cái/02 năm;

+ Biển hiệu: 01 cái (cấp 01 lần).

(Theo Điều 11 Nghị định 144/2017/NĐ-CP)

Tóm lại, trợ giúp viên pháp lý là một nghề nghiệp góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật; giúp nâng cao nhận thức pháp luật của đối tượng được trợ giúp.

(có 3 đánh giá)
Theo Thanh Rin
2.750 
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng Chuyên viên pháp lý
Click vào đây để xem danh sách Tuyển dụng Chuyên viên pháp lý hoặc nhận thông báo thường xuyên về Tuyển dụng Chuyên viên pháp lý