Sứ mệnh của nghề luật sư ở Việt Nam là gì? Để hành nghề luật sư cần những điều kiện gì?

(có 1 đánh giá)

Cho chị hỏi, sứ mệnh của nghề luật sư ở Việt Nam là gì? Để hành nghề luật sư cần những điều kiện gì theo quy định hiện nay? Câu hỏi của chị M.D ở KonTum.

Sứmệnh của nghề luật sư ở Việt Nam là gì?

Căn cứ theo Quy tắc 1 Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 201/QĐ-HĐLSTQ năm 2019 quy định như sau:

“Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.”

Như vậy, Luật sư có sứ mệnh bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức, cơ quan, bảo vệ sự độc lập của tư pháp, góp phần bảo vệ công lý, công bằng, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự mệnh của nghề luật sư ở Việt Nam là gì? Để hành nghề luật sư cần những điều kiện gì?

Sứ mệnh của nghề luật sư ở Việt Nam là gì? Để hành nghề luật sư cần những điều kiện gì? (Hình từ Internet)

Để hành nghề luật sư cần những điều kiện gì theo quy định hiện nay?

Căn cứ theo Điều 11 Luật Luật sư 2006 quy định về điều kiện hành nghề luật sư như sau:

Điều kiện hành nghề luật sư

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 10 của Luật này muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.”

Dẫn chiếu đến Điều 10 Luật Luật sư 2006 như sau:

Tiêu chuẩn luật sư

Công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư thì có thể trở thành luật sư.”

Theo đó, công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề luật sư, muốn được hành nghề luật sư phải có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.

Trong đó, quy định về đào tạo nghề luật sư tại Điều 12 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 4 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 như sau:

Đào tạo nghề luật sư

1. Người có Bằng cử nhân luật được tham dự khóa đào tạo nghề luật sư tại cơ sở đào tạo nghề luật sư.

2. Thời gian đào tạo nghề luật sư là mười hai tháng.

Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề luật sư được cơ sở đào tạo nghề luật sư cấp Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư.

3. Chính phủ quy định về cơ sở đào tạo nghề luật sư.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình khung đào tạo nghề luật sư, việc công nhận đào tạo nghề luật sư ở nước ngoài.”

Đối với thời gian tập sự hành nghề luật sư được quy định tại Điều 14 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 quy định như sau:

Tập sự hành nghề luật sư

1. Người có Giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư và người quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này được tập sự hành nghề tại tổ chức hành nghề luật sư.

Thời gian tập sự hành nghề luật sư là mười hai tháng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 16 của Luật này. Thời gian tập sự hành nghề luật sư được tính từ ngày đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư.

Tổ chức hành nghề luật sư phân công luật sư hướng dẫn người tập sự hành nghề luật sư. Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư và không thuộc trường hợp đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này. Tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự.

2. Người tập sự hành nghề luật sư đăng ký tập sự tại Đoàn luật sư ở địa phương nơi có trụ sở của tổ chức hành nghề luật sư mà mình tập sự và được Đoàn luật sư cấp Giấy chứng nhận người tập sự hành nghề luật sư.

Đoàn luật sư có trách nhiệm giám sát việc tập sự hành nghề luật sư.

3. Người tập sự hành nghề luật sư được giúp luật sư hướng dẫn trong hoạt động nghề nghiệp nhưng không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật.

Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; giúp luật sư hướng dẫn nghiên cứu hồ sơ vụ, việc, thu thập tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ, việc và các hoạt động nghề nghiệp khác; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.

Luật sư hướng dẫn phải giám sát và chịu trách nhiệm về các hoạt động của người tập sự hành nghề luật sư quy định tại khoản này.

4. Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định cụ thể việc tập sự hành nghề luật sư.”

Sau khi hoàn thành đủ các điều kiện theo yêu cầu tại các trường thuộc Bộ Tư pháp thì sẽ thực hiện yêu cầu cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư và việc cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư được quy định tại Điều 17 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012.

Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư không còn thường trú tại Việt Nam có bị thu hồi Chứng chỉ này không?

Theo quy định tại Điều 18 Luật Luật sư 2006, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 1 Luật Luật sư sửa đổi 2012 như sau:

Thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư

1. Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp sau đây thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư:

a) Không còn đủ tiêu chuẩn luật sư quy định tại Điều 10 của Luật này;

b) Được tuyển dụng, bổ nhiệm làm cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

c) Không còn thường trú tại Việt Nam;

d) Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư;

đ) Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư;

e) Thôi hành nghề luật sư theo nguyện vọng;

g) Bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư;

h) Bị xử phạt hành chính bằng hình thức tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn; bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc;

i) Bị kết án mà bản án đã có hiệu lực pháp luật;

k) Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thẩm quyền thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư và quy định thủ tục thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư. Trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư thì thông báo cho Liên đoàn luật sư Việt Nam để thu hồi Thẻ luật sư.”

Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư mà thuộc một trong những trường hợp cụ thể trên thì bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư.

Như vậy, người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư không còn thường trú tại Việt Nam thì bị thu hồi Chứng chỉ.

(có 1 đánh giá)
Theo Mai Hoàng Trúc Linh
3.337