Kỹ năng tiếp nhận nguồn tin chính thống giữa “thông tin vạn biến” của người học Luật .

Thông tin luôn là những “nguồn kiến thức” thực tế mà người học luật cần phải nắm bắt mỗi ngày. Trong một xã hội 4.0 nơi mà tin giả đang tràn lan thì ta cần làm gì để “tâm bất biến giữa thông tin vạn biến?”

Bình tĩnh tiếp nhận thông tin có chọn lọc

Ngày xưa chúng ta tiếp nhận tin tức thông qua những tờ báo giấy buổi sáng hay loa phát thanh phường đầu ngõ, chương trình thời sự quốc gia vào 19h tối mỗi ngày. Còn ngày nay khi xã hội đã phát triển vượt bậc thì báo mạng nổi lên như vũ bão kéo theo đó là hàng rẫy các thông tin “nóng” tự động cập nhật về điện thoại, máy tính mỗi ngày.

Người học Luật thì luôn phải cẩn thận với những thông tin “nóng hổi” thay vì nhấn nút share hay chia sẻ ngay bằng cách truyền miệng một đoạn thông tin chưa xác thực bạn có thể ngay lập tức đưa nguồn thông tin đó đến hàng trăm hàng nghìn người xung quanh bạn bè đồng nghiệp của bạn. Kể cả khi có nguồn tin đính chính thì hiệu ứng chân rết của tin giả đã lan đi rất xa và xảy ra tình trạng nhiễu loạn thông tin. Tiếp nhận tin là một điều hiển nhiên nhưng sàng lọc chọn lựa những nguồn thông tin sạch, đúng là kỹ năng của riêng bản thân bạn.

Trang bị cho mình những nguồn thông tin đáng tin cậy

Ngay cả khi nhận được những bài báo với “title” giật gân thì bạn cần phải xác nhận xem nguồn thông tin có chính thống hay không. Các trang báo mạng được xem là đáng tin cậy và cập nhật thời sự cũng như các sự kiện quan trọng chính xác mà người học luật cần tham khảo như là: https://vietnamnet.vn/; https://kiemsat.vn/, https://phapluatbandoc.giadinh.net.vn/; https://tapchitoaan.vn/; hay như các trang chia sẻ tin tức bàn luận như https://danluat.thuvienphapluat.vn/ ở đây bạn vừa cập nhật được các thông tin chính thống cũng như vừa học hỏi chia sẻ các kiến thức kỹ năng thực hành luật ứng dụng với đời sống xã hội từ các bạn sinh viên và các Luật sư tham gia cộng đồng.

Ưu tiên chọn lọc các thông tin có kèm nguồn trích dẫn

Dân luật thường hay nói với nhau rằng: “Căn cứ pháp lý đâu?” mỗi khi tranh luận một vấn đề gì đó. Bởi vậy đừng để mình bị “dắt mũi” bằng những bài viết không có gì ngoài những lập luận hùng hồn mà thiếu đi chứng cứ, trích dẫn hoặc các nguồn đáng tin cậy.

Việc tra cứu thông tin diễn ra hằng ngày đối với dân luật khi mà có quá nhiều vấn đề chúng ta cần phải tìm tòi và nghiên cứu phục vụ cho việc học, việc làm của bản thân vì vậy hãy tập tra cứu thông tin kỹ càng ưu tiên những thông tin có nguồn trích dẫn rõ ràng. Kiểm chứng độ xác thực của tin tức chưa bao giờ là thừa đối với dân học luật.

Việc không làm chủ thông tin trong một xã hội đầy rẫy thông tin thật giả lẫn lộn là một điều thiệt thòi. Đồng thời phải đối mặt với sự cố nghề nghiệp nếu sử dụng những nguồn tin không chính thống là điều không thể tránh khỏi vì vậy hãy tạo cho mình một thói quen văn minh để có thể phục vụ sự nghiệp học tập và làm việc của chính mình.

Theo Quỳnh Ny
2.512